Các Loại Mụn Thường Gặp: Đặc Điểm Và Cách Phân Biệt Mụn
Mụn là vấn đề da liễu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sự tự tin mà còn tác động đến sức khoẻ, sinh hoạt khi trở nặng. Nếu thiếu kiến thức, chưa phân biệt chính xác các loại mụn thường gặp đã dẫn đến điều trị sai cách, làm da tổn thương nặng nề hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu đặc điểm, vị trí mọc, nguyên nhân gây nên từng loại mụn là rất cần thiết.
Phân biệt các loại mụn thường gặp qua đặc điểm
Mụn là những nốt nổi cộm trên da, có kích thước khác nhau, đôi khi gây đau nhức, sưng đỏ hoặc không. Chúng thường mọc ở mặt, lưng, cổ, nách, mông, thậm chí là vùng kín. Tương tự như những tình trạng da liễu khác, mụn có thể chia thành nhiều mức độ nặng – nhẹ khác nhau với những đặc điểm riêng biệt.
Dựa vào tính chất và đặc điểm, có thể chia các loại mụn thường gặp thành những nhóm dưới đây:
Các loại mụn không viêm
Trong các loại mụn thường gặp, nhóm mụn không viêm khá phổ biến. Chúng là những loại mụn xuất hiện dưới lỗ chân lông khi bị bít tắc, được xem là tình trạng nhẹ và dễ nhận biết. Bao gồm: Mụn đầu đen, mụn đầu trắng cùng với mụn ẩn.
1. Mụn đầu đen
Mụn đầu đen thực chất là một loại mụn trứng cá không viêm, chúng là những nốt nhỏ màu đen xuất hiện trên bề mặt da, nhân mụn hở (thường một nửa trên da, một nửa nằm dưới lỗ chân lông). Thông thường khi nhân mụn nhô lên và tiếp xúc với oxy sau một thời gian sẽ bị oxy hoá rồi chuyển thành màu đen.
Đặc điểm nhận biết:
- Các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da giống như đầu đinh ghim, nhân hở, dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
- Đầu mụn màu đen.
- Xuất hiện dày đặc, có ở hầu hết các lỗ chân lông.
Nguyên nhân: Sự tích tụ của bã nhờn và tế bào chết ở lỗ chân lông. Khi “quá tải” lỗ chân lông sẽ mở rộng và đẩy nhân mụn hở ra ngoài.
Vị trí thường xuất hiện: Vùng chữ T, trán, hai bên má, lưng, vai.
Tìm hiểu thêm: Nặn mụn đầu đen nên hay không? Hướng dẫn cách nặn mụn đầu đen đúng cách
2. Mụn đầu trắng
Mụn đầu trắng còn có tên gọi khác là mụn cám – một trong các loại mụn thường gặp, rất phổ biến. Khác với mụn đầu đen, đây là loại mụn ẩn dưới da, có lỗ chân lông khép kín.
Đặc điểm nhận biết:
- Đầu mụn trắng kích thước 1-2mm.
- Không sưng, đau nhức.
- Mụn nhô hẳn lên bề mặt da gây hiện tượng sần sùi, đôi lúc chúng ẩn sâu dưới lớp biểu bì.
Nguyên nhân: Do sự tích tụ của bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn, vi khuẩn làm lỗ chân lông bị bít tắc. Nhưng do lỗ chân lông đóng nên những chất này bị bao bọc, ẩn dưới bề mặt da nên không bị oxy hoá không chuyển sang màu đen nên được gọi là mụn đầu trắng.
Vị trí thường xuất hiện: Chủ yếu mọc ở mặt quanh vị trí trán, mũi, má.
3. Mụn ẩn
Giống như tên gọi, mụn ẩn nằm sâu dưới da nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Đây cũng là một dạng mụn trứng cá tuy không gây đau nhức nhưng lại khiến làn da sần sùi, thô ráp kém thẩm mỹ.
Đặc điểm nhận biết:
- Mụn nằm dưới da, trồi nhẹ lên bề mặt da và không gây đau nhức.
- Kích thước nốt mụn nhỏ, thường mọc thành đám và có xu hướng lan rộng.
- Gây sần sùi, thô ráp tại vị trí mọc.
Nguyên nhân:
- Rối loạn nội tiết tố.
- Lỗ chân lông to.
- Lạm dụng mỹ phẩm hoặc sử dụng những mỹ phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc.
- Sinh hoạt, ăn uống không khoa học, thiếu điều độ.
- Khả năng thải độc của cơ thể giảm sút.
Vị trí thường xuất hiện: Hai bên má, trán, vùng quai hàm, cằm, quanh miệng.
Các loại mụn viêm
Mụn viêm được xếp vào nhóm mụn trứng cá nặng, gây sưng đỏ, đau nhức khó chịu. Đặc biệt, trong các loại mụn thường gặp đây là tình trạng dễ gây nhiễm trùng nhất nếu không chăm sóc, xử lý an toàn, đúng cách. Bao gồm: Mụn bọc, mụn nhọt, mụn đinh râu, mụn nang.
1. Mụn bọc
Mụn bọc là loại mụn chứa mủ màu trắng, vàng đôi khi lẫn cả máu. Mụn gây sưng, cứng cùng cảm giác đau nhức vô cùng khó chịu. Những nốt mụn này thường nằm sâu dưới da, có thể gây nên nhiều biến chứng sau nặn và điển hình nhất là sẹo lõm, thâm mụn.
Theo các chuyên gia da liễu, mụn bọc là kết quả của sự viêm nhiễm da, kết hợp cùng bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết làm nang lông kích ứng. Vì vậy, tình trạng này có liên quan trực tiếp đến chế độ chăm sóc da của mỗi người.
Đặc điểm nhận biết:
- Kích thước nốt mụn lớn, bên trong chứa dịch, mủ và máu.
- Nốt mụn sưng đỏ, viêm đau.
- Mọc thành cụm hoặc riêng lẻ, ẩn sâu dưới da.
- Khi mới mọc mụn khá cứng, khó vỡ nhưng sau một thời gian sẽ trở nên mềm, dễ vỡ.
Nguyên nhân:
- Tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Rối loạn hormone.
- Rối loạn chức năng bài tiết.
- Stress, căng thẳng kéo dài.
- Sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh da không hợp lý.
Vị trí thường xuất hiện: Thường mọc ở mặt tại vùng trán, má, cằm… Đôi khi mụn bọc mọc ở cổ, gáy, lưng.
2. Mụn nhọt
Mụn nhọt thực chất là tình trạng nhiễm trùng da khá phổ biến. Các nốt mụn dưới da sưng, gây đau và phần nhân có nhiều mủ.
Đặc điểm nhận biết:
- Nốt mụn sưng đỏ, độ lớn các nốt mụn tăng dần theo thời gian.
- Phần đầu nốt mụn màu trắng, dễ vỡ hoặc tự vỡ rồi chảy dịch ra ngoài.
- Nhân mụn chứa nhiều mủ, máu.
- Vùng da quanh nốt mụn đỏ hoặc hồng.
Nguyên nhân:
- Bít tắc lỗ chân lông.
- Viêm nang lông.
- Dày sừng nang lông.
Vị trí thường xuất hiện: Bất cứ vùng da nào trên cơ thể, tuy nhiên phổ biến nhất là mặt, cổ, nách,… Trong đó mụn nhọt ở mông gây nhiều đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
3. Mụn đinh râu
Mụn đinh râu còn được gọi là mụn đầu đinh – loại mụn có ngòi mủ, khác biệt hoàn toàn với các loại mụn thường gặp. Ngay từ khi mới hình thành, những nốt mụn này đã gây sưng đỏ ở gốc của sợi râu cùng cảm giác đau nhức khó chịu. Khi không được xử lý đúng cách, chăm sóc tốt nốt mụn sẽ nhanh chóng sưng to và kèm theo mủ vàng ở phần đỉnh mụn, thậm chí sưng phù mặt, sốt cao.
Đặc điểm nhận biết:
- Khi mới hình thành chỉ gây sưng ở chân râu, sau đó có mủ và ngòi đen như đầu đinh.
- Nốt mụn sưng đỏ, gây đau nhức, khi chạm vào thấy nóng.
- Những trường hợp nặng có thể gây sốt cao kèm cảm giác mệt mỏi.
Nguyên nhân:
- Da bị nhiễm trùng do nặn mụn trứng cá sai cách, vết xước khi cạo râu.
- Viêm nang lông.
- Bệnh tiểu đường.
Vị trí thường xuất hiện: Quanh miệng khu vực môi, cằm.
4. Mụn nang
Loại mụn này còn có tên gọi khác là “mụn u nang”, một dạng khác của mụn trứng cá. Mụn nang thường hình thành, phát triển sâu trong da rồi trồi lên thành những nốt sưng đỏ giống khối u trên bề mặt da, bên trong chứa dịch mủ gây nhiều đau đớn, khó chịu.
Đặc điểm nhận biết:
- Kích thước nốt mụn lớn, nổi cộm trên da như u.
- Cảm giác đau nhức.
- Nốt mụn có thể mọc riêng lẻ hoặc thành cụm.
- Mụn có mủ bên trong.
- Da nhiễm Corticoid.
Nguyên nhân:
- Bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ làm viêm nang lông.
- Lạm dụng mỹ phẩm.
- Rối loạn hormone.
- Do di truyền.
- Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Bệnh lý nội tiết.
Vị trí thường xuất hiện: Mặt, cổ, lưng, ngực.
Đọc thêm: Bị mụn trứng cá nên ăn gì? Kiêng ăn gì để mau lành?
Các loại mụn khác
Bên cạnh nhóm mụn không gây viêm và gây viêm, mụn thịt và mụn cóc cũng là nhóm các loại mụn thường gặp. Tuy không gây đau đớn nhưng những nốt mụn này lại khiến người mắc tự ti, e ngại khi giao tiếp vì khá kém thẩm mỹ.
1. Mụn thịt
Về bản chất, mụn thịt là những u lành tính nhú lên trên bề mặt da. Chúng không gây đau đớn, không ngứa ngáy, khó chịu nhưng lại khiến da trở nên sần sùi khá mất thẩm mỹ.
Đặc điểm nhận biết:
- Nốt mụn nhỏ li ti, kích thước chừng 1-3mm.
- Có thể mọc riêng lẻ nhưng đôi khi thành cụm hoặc đám lớn.
- Màu sắc tệp với da, một số trường hợp hơi ngả vàng.
- Nốt mụn không viêm, không sưng, không đau.
Nguyên nhân:
- Rối loạn sắc tố da.
- Rối loạn tuyến mồ hôi.
- Collagen, mạch máu bị tắc nghẽn dưới da.
- Việc sinh hoạt, ăn uống không được khoa học.
Vị trí thường xuất hiện: Mọi vị trí trên cơ thể, điển hình là vùng da dưới mắt, cổ, trán, má, ngực, bụng.
Đọc thêm: Đốt Mụn Thịt Bao Nhiêu Tiền? Có Đắt Không? [Hỏi – Đáp]
2. Mụn cóc
Mụn cóc còn có tên gọi khác là mụn cơm hay mụn hạt cơm. Đây là những nốt mụn có bản chất là khối u lành tính với kích thước nhỏ, có thể gặp ở mọi đối tượng, cả nam và nữ.
Đặc điểm nhận biết:
- Nốt mụn sần sùi nhỏ như hạt vừng, một vài trường hợp to hơn như hạt đậu xanh
- Màu mụn tương đồng với màu da hoặc có màu trắng.
- Gây cảm giác da thô ráp khi chạm vào.
Nguyên nhân:
- Sự xâm nhập của virus HPV gây tổn thương da.
- Do tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn mặt, quần áo, đồ lót, giày dép…) với người bệnh.
- Lây lan từ vùng da này sang vùng da khác do cạy mụn, nặn mụn.
Vị trí thường xuất hiện: Mặt, mắt cá chân, lòng bàn tay – bàn chân, móng chân, sinh dục…
Cách phòng tránh, cải thiện các loại mụn thường gặp
Các loại mụn trên da rất đa dạng, chúng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để tránh bị mụn và cải thiện tình trạng da khi không may bị chúng “tấn công”, mỗi người có thể tham khảo áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Tẩy trang, làm sạch da cuối ngày: Điều này cần được thực hiện đều đặn vào mỗi cuối ngày, ngay cả khi bạn không trang điểm và không ra ngoài. Bởi trong không khí luôn có lượng bụi bẩn nhất định, cùng với lượng bã nhờn được tiết ra tự nhiên rất dễ hình thành mụn.
- Chăm sóc da đúng cách: Kết hợp làm sạch da, cấp ẩm, dưỡng da bằng serum/kem dưỡng, sử dụng kem chống nắng đều đặn để bảo vệ làn da chuyên sâu.
- Dùng mỹ phẩm lành tính, phù hợp tính chất da: Hãy ưu tiên các loại mỹ phẩm có nguồn gốc thực vật, bảng thành phần an toàn cho da. Đặc biệt, cần cân nhắc đến tính chất làn da (da khô, da hỗn hợp, da dầu, da thiên dầu…) để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
- Sinh hoạt điều độ, lành mạnh: Nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, hạn chế dùng rượu bia, đồ uống có ga, nước ngọt… để làn da được nuôi dưỡng khỏe mạnh từ bên trong.
- Điều trị, chăm sóc da theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu: Trường hợp đã bị mụn nên chăm sóc da, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý bôi thuốc, nặn mụn tại nhà vì hành động này rất dễ làm phát sinh nhiễm trùng, khiến tình trạng mụn thêm nặng nề.
Qua nội dung trên, tin rằng bạn đọc đã biết cách phân biệt các loại mụn thường gặp cũng như nắm được một số lưu ý giúp phòng tránh, điều trị mụn hiệu quả. Nếu đang gặp một trong những loại mụn kể trên, hãy chú ý chăm sóc da khoa học và tìm đến cơ sở da liễu uy tín để được thăm khám, hỗ trợ xử lý hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!