Mụn Tuổi Dậy Thì Có Tự Hết Không? Ngừa Mụn Thế Nào?
Mụn ở tuổi dậy là vấn đề đáng lo ngại của nhiều thanh thiếu niên hiện nay. Mặc dù không gây hại cho sức khỏe nhưng những nốt mụn xấu xí lại khiến cho các bạn trẻ cảm thấy tự ti và cản trở quá trình giao tiếp hàng ngày. Tình trạng mụn diễn ra suốt những năm tháng cấp 2 và cấp 3 khiến nhiều người băn khoăn không biết liệu mụn tuổi dậy thì có tự hết không? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn giải đáp thắc mắc này và tìm ra những cách giúp giảm mụn hiệu quả.
Mụn tuổi dậy thì có tự hết không?
Tuổi dậy thì là một giai đoạn mà bất kỳ ai cũng phải trải qua. Thông thường quãng thời gian này sẽ kéo dài từ năm 10 – 17 tuổi, cũng có người sẽ lâu hơn hoặc ngắn hơn. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, hormone sinh dục sẽ tăng lên và cơ thể của bạn sẽ bắt đầu có sự thay đổi, bao gồm cả việc xuất hiện mụn trứng cá trên da.
Vậy loại mụn tuổi dậy thì có tự hết không? Câu trả lời là CÓ. Các chuyên gia cho biết, mụn ở tuổi dậy thì có thể tự hết sau khi lượng hormone trong cơ thể đã ổn định. Những loại mụn do tuổi dậy thì gây ra sẽ không xuất hiện khi bạn bước vào độ tuổi trưởng thành. Nhưng nếu bạn chăm sóc da không đúng cách và ăn uống sinh hoạt không lành mạnh thì mụn vẫn sẽ xuất hiện.
Tùy thuộc vào cơ địa và khả năng chăm sóc da của mỗi người mà tình trạng mụn dậy thì có hết sớm hay không. Với những bạn có cơ địa tốt thì nội tiết tố sẽ dần cân bằng và mụn trên da sẽ giảm đi hoặc tự hết khi bước qua tuổi 18. Đối với những người có cơ địa xấu thì nội tiết tố vẫn sẽ hoạt động mạnh, lỗ chân lông to khiến tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu, làm bít tắc các nang lông. Khi đó mụn sẽ không thể tự hết và vẫn tiếp tục phát triển.
Thực tế thì không phải ai cũng bị nổi mụn trong giai đoạn dậy thì. Bởi ngoài sự thay đổi của nội tiết tố thì các vấn đề về tâm lý, thói quen ăn uống, chăm sóc da sai cách, lạm dụng mỹ phẩm, thức khuya,… cũng khiến làn da bị mụn. Đối với những trường hợp bị nổi quá nhiều mụn, có dấu hiệu sưng viêm thì bạn cần đến các trung tâm da liễu để được điều trị đúng cách, tránh để lại sẹo.
Các loại mụn phổ biến trong giai đoạn dậy thì
Mụn nội tiết ở tuổi dậy thì của mỗi người là không giống nhau. Vị trí mọc mụn có thể xuất hiện trên mặt, lưng hoặc ngực. Dưới đây là một số loại mụn phổ biến mà bạn có thể gặp phải trong giai đoạn dậy thì.
- Mụn đầu trắng: Đây là loại mụn ẩn dưới da có đặc điểm là nhỏ, màu trắng, kích thước chỉ từ 1-2mm. Mụn thường mọc ở phần cằm, mũi và trán.
- Mụn đầu đen: Mụn đầu đen có nhân mụn bị hở ra ngoài, do tiếp xúc với không khí nên bị oxy hóa thành màu đen. Mụn có đặc điểm là có nhỏ như đầu đinh ghim, mọc nhiều ở mũi, cằm, trán và hai bên má.
- Mụn viêm: Mụn viêm là các nốt mụn bị viêm đỏ, sưng to, gây đau ngứa, có thể có nhân ở bên trong.
- Mụn mủ: Mụn sưng to và bị hóa mủ bên trong. Những nốt mụn này thường có mủ màu vàng, gây tổn thương sâu và rất dễ để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách.
- Mụn bọc: Mụn bọc là loại mụn nghiêm trọng, xảy ra khi có hiện tượng vỡ đáy nang lông. Ban đầu chỉ là những nốt mụn nhỏ, sau đó lớn dần thành những ổ mụn lớn có máu và mủ bên trong. Loại mụn này thường sưng to và gây đau, dễ để lại sẹo.
- Mụn đầu đinh: Loại mụn này rất nguy hiểm, có thể gây sốt cao, nhiễm trùng và biến chứng thành ổ áp xe. Nghiêm trọng hơn có thể gây liệt dây thần kinh và tắc mạch.
Xem thêm: Có Nên Đi Spa Nặn Mụn Không Và Những Lưu Ý Cần Biết?
Phòng ngừa và cải thiện mụn ở tuổi dậy thì
Phòng ngừa và cải thiện mụn dậy thì không hề phức tạp như bạn nghĩ. Dưới đây là một số phương pháp giúp làm giảm mụn bạn có thể tham khảo và áp dụng ngay hôm nay:
Trị mụn bằng thuốc Tây y
Đối với những loại mụn viêm, gây sưng đau, nóng đỏ, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số loại thuốc dạng uống hoặc dạng bôi như: Thuốc bôi chứa Acid salicylic hay Acid azelaic, thuốc bôi có thành phần Benzoyl peroxide, thuốc bôi chứa Retinoid, thuốc tránh thai hoặc hỗ trợ cân bằng hormone. Khi sử dụng những loại thuốc này người bệnh nên uống đúng liều lượng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tìm hiểu thêm: 15+ Kem Trị Mụn Ở Hiệu Thuốc Chất Lượng, Bán Chạy Nhất
Chăm sóc da bằng một số nguyên liệu tự nhiên
Một số nguyên liệu tự nhiên như mật ong, chanh, bột nghệ, nha đam, dầu dừa, sữa chua, dưa chuột, rau má, cà chua,…. có khả năng cải thiện mụn dậy thì hiệu quả. Những nguyên liệu này có chứa nhiều vitamin, có tác dụng diệt khuẩn, tẩy tế bào chết, giúp làm xẹp nốt mụn và giảm thâm mụn rất tốt. Bạn chỉ cần đắp mặt nạ từ các nguyên liệu trên mỗi tuần 2-3 lần để giúp làm sáng da và hỗ trợ giảm mụn.
Thoa kem chống nắng mỗi ngày
Thoa kem chống nắng có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với việc chăm sóc da và ngừa mụn. Sản phẩm này giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa mụn và nguy cơ bị ung thư da. Khi dùng kem chống nắng, bạn cần lựa chọn sản phẩm có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên để ngăn tia UV và chống ung thư da hiệu quả.
Không trang điểm
Ở giai đoạn dậy thì, bạn không nên trang điểm bởi đa phần các loại mỹ phẩm hiện nay đều có chứa nhiều hóa chất như: Phthalates, Triethanolamine, Sodium lauryl sulfate, Retinyl palmitate, Sodium laureth sulfate, Paraben, Chì, Corticoid,… Chúng có thể gây ảnh hưởng tới da, gây bít tắc lỗ chân lông và làm tăng nguy cơ bị mụn viêm, mụn mủ.
Không chạm tay lên mặt
Bàn tay của chúng ta có chứa rất nhiều vi khuẩn và bụi bẩn. Khi bạn thường xuyên chạm tay lên mặt và các vết mụn sẽ khiến da bị tổn thương và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống có tác động rất lớn đối với làn da. Vì vậy bạn hãy tích cực sử dụng những loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi,… Đồng thời nên hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, nhiều đường, nước ngọt có gas, trà sữa,… Bởi chúng có thể khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, tăng nguy cơ bị mụn trứng cá.
Bài viết hấp dẫn: Tuổi Dậy Thì Không Có Mụn Có Sao Không Và Cách Phòng Ngừa
Không thức khuya
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có thói quen thức khuya để học bài hoặc xem phim, chơi game… Đây là một thói quen gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới làn da. Vì vậy bạn hãy tập cho mình thói quen đi ngủ sớm trước 23 giờ và ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày. Đồng thời cần hạn chế căng thẳng stress bởi điều này có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn, gây mụn trứng cá.
Rửa mặt sạch sẽ
Làm sạch da là bước vô cùng quan trọng để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và cặn mỹ phẩm còn dính trên da. Vì vậy bạn cần làm sạch da bằng cách sử dụng nước tẩy trang, rửa mặt với sữa rửa mặt 2 lần/ngày và tẩy tế bào chết mỗi tuần 1-2 lần để đảm bảo làn da được sạch sẽ một cách tối ưu.
Không nặn mụn bằng tay
Rất nhiều người có thói quen nặn mụn bằng tay, đặc biệt là các bạn trẻ. Điều này sẽ khiến làn da bị tổn thương và tăng nguy cơ gây viêm nhiễm và bị sẹo vĩnh viễn. Một số loại mụn nang nếu tự ý nặn sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào da và làm ảnh hưởng đến những vùng da lân cận. Vì vậy bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được nặn mụn đúng cách.
Giặt vỏ gối và thay mới khẩu trang hàng ngày
Khẩu trang và vỏ gối là hai vật dụng sẽ tiếp xúc trực tiếp với làn da của chúng ta. Vì vậy bạn nên giặt vỏ gối định kỳ mỗi tuần một lần và thay mới khẩu trang hàng ngày để tránh làn da bị mụn. Bên cạnh đó bạn cũng cần buộc tóc gọn gàng và giữ cho mái tóc luôn sạch sẽ. Bởi nếu tóc bị bẩn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến làn da,
Như vậy bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc mụn tuổi dậy thì có tự hết không? Mong rằng thông qua những chia sẻ này bạn đọc đã trang bị được cho mình nhiều kiến thức hữu ích giúp chăm sóc làn da bị mụn được tốt hơn. Nếu bạn đã áp dụng nhiều phương pháp skincare mà tình trạng mụn vẫn không thuyên giảm thì cần đến gặp bác sĩ da liễu. Không được tự ý nặn mụn hoặc bôi bất cứ thứ gì lên mặt để tránh bị kích ứng da.
Không nên bỏ lỡ:
- Vì Sao Nhiều Người Không Có Mụn? 9 Bí Quyết Cần Nắm
- Chi Phí Đốt Mụn Cóc Giá Bao Nhiêu? Có Bị Tái Phát Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!