Cách Chữa Rạn Da
Để trị rạn da tại nhà hiệu quả, bạn có thể thực hiện các phương pháp sau:
- Dùng dầu dưỡng da: Dầu dưỡng da như dầu dừa, dầu hạt nho, hoặc dầu hạt lanh có thể giúp cung cấp độ ẩm cho da và giảm sự xuất hiện của rạn da.
- Mát-xa da: Mát-xa nhẹ nhàng kích thích sự tuần hoàn máu, giúp làm mờ rạn da và tăng cường độ đàn hồi của da.
- Sử dụng kem chống rạn da: Kem chống rạn da chứa các thành phần như vitamin E, A, và collagen giúp tái tạo tế bào da và làm mềm da.
- Tăng cường độ ẩm: Duy trì độ ẩm cho da bằng cách uống đủ nước hàng ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm.
- Chế độ dinh dưỡng cân đối: Ăn uống giàu vitamin và khoáng chất có thể hỗ trợ sức khỏe da, giúp da giữ độ đàn hồi tốt hơn.
- Luyện tập thể dục: Luyện tập thể dục có thể cải thiện sự đàn hồi của cơ bắp và da, giúp ngăn chặn việc xuất hiện rạn da.
Hiện nay có rất nhiều cách chữa rạn da khác nhau. Bạn có thể thực hiện tại nhà, sử dụng kem bôi, hoặc làm các thủ thuật phòng khám hiện đại. Do rạn da không có phương pháp điều trị dứt điểm, tuỳ thuộc vào tình trạng từng trường hợp mà hiệu quả mỗi người mỗi khác. Muốn có sự lựa chọn hợp lý khi chữa rạn da, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Tổng quan về rạn da
Rạn da (tên tiếng Anh: Stretch marks) là hiện tượng cơ thể xuất hiện các đường rãnh song song nhau. Chúng có màu hồng đỏ, nâu tím và dần chuyển sang trắng bạc. Những vết rạn này thường tập trung chính ở một số bộ phận như mông, đùi, ngực.
Tình trạng này xảy ra do các mô dưới da thiếu liên kết và bị đứt gãy. Cụ thể là collagen và elastin, 2 yếu tố quan trọng hỗ trợ cho da. Da bị kéo căng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các vết rạn.
Theo một số nghiên cứu, phụ nữ mắc rạn da nhiều hơn so với nam giới. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp tình trạng này gồm:
- Phụ nữ mang thai (đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ): Da căng do tăng cân, phì một số bộ phận trên cơ thể.
- Người bị béo phì: Mỡ dư thừa tích tụ nhiều ở các vùng bụng, hông, ngực, mông. Các vết rạn sẽ xuất hiện ở những khu vực này
- Thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì: Hormone tăng trưởng đột ngột, tăng cân hoặc giảm cân bất thường.
- Người tập thể hình: Tập luyện thường xuyên ở mức độ cao, đặc biệt những động tác căng cơ có thể gây rạn da.
Có thể phân biệt các kiểu rạn da dựa vào nguyên nhân và sắc tố da từng trường hợp như sau:
- Vết rạn do mang thai, tăng cân (màu đỏ, hồng): Xuất hiện phổ biến ở phụ nữ
- Vết rạn do mắc các bệnh lý: Hội chứng Cushing, Marfan
- Vết rạn có màu xám, đen: Xảy ra ở những người có làn da tối màu
- Vết rạn có màu xanh đậm, tía: Xảy ra ở những người có làn da màu sẫm
Nhiều người phát hiện các vết rạn trên da và không biết lý do tại sao? Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, điển hình như sau:
- Khi mang thai: Những người bầu bí thường khó kiểm soát vấn đề cân nặng. Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều tăng cân. Đặc biệt ở vùng bụng, da bị rạn nhiều nhất. Tiếp đến là đùi và mông. Căng da ở những khu vực này là để đáp ứng cho thay đổi kích thước tử cung, bào thai, trọng lượng tăng ở toàn bộ cơ thể.
- Tuổi dậy thì: Độ tuổi có sự tăng trưởng và phát triển mạnh về chiều cao và cân nặng. Thường thì tỷ lệ nữ giới bị rạn da sẽ cao hơn ở nam giới. Các vùng da bị tích mỡ ở đùi và ngực sẽ dễ bị rạn khi tăng cân. Chiều cao tăng quá nhanh thì các vết rạn sẽ xuất hiện ở phần trên khớp xương.
- Béo phì: Đối tượng béo phì hoặc tăng trưởng cân nặng đột ngột rất dễ phải đối mặt với tình trạng này. Khi đó, mỡ thừa tích tụ dưới da, đặc biệt các vùng da đùi, mông, bụng sẽ khiến da bị căng.
- Sử dụng thuốc: Dùng thuốc có chứa dẫn xuất Corticoid với liều lượng lớn trong thời gian dài có thể dẫn đến rạn da. Do lượng collagen trong cơ thể suy giảm.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý như hội chứng Marfan, hội chứng Cushing, rối loạn tuyến thượng thận có khả năng gây ra rạn nứt da. Cụ thể, hội chứng Marfan sẽ khiến độ đàn hồi của da bị giảm, hội chứng Cushing làm cơ thể sản sinh ra nhiều hormone gây tăng cân, gãy các mô liên kết ở dưới da.
- Di truyền: Nếu trong gia đình, người thân có tiểu sử bị rạn da, rất có thể bạn sẽ mắc phải. Tuy nhiên, trường hợp này được ghi nhận với tỷ lệ thấp.
- Tập gym: Việc tập luyện nhiều trong thời gian dài hoặc quá sức sẽ khiến cho các vùng cơ bị căng. Điều này sẽ gây ra hiện tượng da bị rạn, đặc biệt ở các vùng căng cơ.
Ngoài các yếu tố trên, bạn có thể bị suy yếu da do mắc bệnh mãn tính lâu ngày, phẫu thuật nâng ngực, giảm cân đột ngột,... cũng sẽ xuất hiện tượng rạn nứt da.
Biểu hiện của rạn da rất dễ để nhận biết. Các vết rạn thường tập trung ở vùng bụng, mông, đùi của nữ giới, thắt lưng, bắp đùi, hông đối với nam giới. Một số dấu hiệu điển hình như sau:
- Các vệt dài, có màu trắng mờ, hồng nhạt, đỏ hoặc nâu tuỳ theo mức độ
- Ở các vết rạn, bạn sẽ cảm thấy ngứa nhẹ
- Khi sờ tay vào cảm thấy lõm, đối với trường hợp rạn nhẹ thì sẽ không thấy sự khác biệt này
- Các vết rạn bao phủ khắp khu vực da bị tác động, trông mất thẩm mỹ
Tuỳ vào nguyên nhân và thời gian da bị rạn mà các dấu hiệu sẽ thay đổi, không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Cụ thể:
- Giai đoạn 1: Các vết rạn sau khoảng 1-2 năm đầu tiên, sẽ có màu hồng nhạt, đỏ hoặc nâu tím, tạo thành các đường song song với nhau và có ranh giới dạng lượn sóng .
- Giai đoạn 2: Vết rạn đỏ dần teo lại, ở đường ranh giới không có lông và tuyến bã.
- Giai đoạn 3: Các vết rạn sẽ dần teo hẹp lại và mờ theo thời gian.
Các cách chữa rạn da hiệu quả
Trị rạn tại nhà là phương pháp được áp dụng nhiều nhất. Việc sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên không chỉ giúp dưỡng da mềm mại mà còn làm các vết rạn mờ dần theo thời gian. Dưới đây là 10 cách chữa rạn da tại nhà mà bạn có thể thực hiện mà không cần dùng đến thuốc:
Bơ cacao
Cách chữa rạn da bằng thực phẩm này khá được ưa chuộng. Bơ cacao có tính chất chống oxy hóa sở hữu chức năng làm biến mất dần các vết sẹo, củng cố độ đàn hồi cho da. Ngoài ra, việc sử dụng bơ cacao để massage giúp giảm stress, phòng ngừa ung thư và tăng cường hệ miễn dịch.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 lượng vừa đủ bơ cacao thoa lên vùng da bị rạn ở mông, bụng, đùi
- Sau đó massage nhẹ nhàng lớp bơ trên da trong 5-10 phút
- Tần suất thực hiện vào mỗi tối trước khi đi ngủ
Thực phẩm này đặc biệt tốt cho bà bầu. Để hạn chế các vết rạn xuất hiện, bạn hãy sử dụng bơ cacao thường xuyên khi chuẩn bị có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai. Cách áp dụng như trên.
Nhược điểm của phương pháp này là bơ cacao tương đối bắt nắng. Nên sử dụng vào ban đêm. Nếu dùng vào ban ngày thì bạn nhớ mặc quần áo bảo hộ, chống nắng để bảo vệ da.
Dầu oliu
Dầu oliu luôn nằm trong nhóm sản phẩm dưỡng da tự nhiên hàng đầu cho phái đẹp. Dưỡng chất trong loại dầu này gồm vitamin E, chất béo có thể phục hồi thương tổn các tế bào da, làm mờ các vết rạn.
Cách thực hiện:
- Lấy khoảng 3 thìa dầu oliu, cho vào nồi hoặc chảo đun ấm lên
- Sau đó để nguội đủ dùng, lấy bông gòn thấm vào dầu
- Thực hiện thoa dầu lên các vùng da rạn, massage nhẹ nhàng trong 5 phút theo chiều kim đồng hồ
- Tần suất làm đều đặn mỗi ngày, cho đến khi có kết quả.
Chanh
Trong chanh chứa acid citric giúp cải thiện các đường rạn da, có thể áp dụng với cả trường hợp rạn da lâu năm. Nước cốt chanh còn sở hữu nhiều công dụng như làm trắng, trị mụn.
Cách thực hiện:
- Dùng 1 quả chanh tươi, cắt đôi, vắt lấy nước cốt
- Thoa nước cốt chanh trực tiếp lên các vùng rạn da, massage trong vòng 3-5 phút
- Để trong vòng 10-15 phút rồi rửa sạch da với nước ấm
Lưu ý: Trong chanh có chứa nhiều acid, nên dùng một lượng vừa đủ tránh kích ứng gây đỏ, rát da. Tránh bôi vào các vùng có vết thương hở.
Dầu dừa
Dầu dừa là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm dưỡng da. Nếu dùng dầu dừa trong một thời gian dài, các vết rạn da sẽ mờ đi trông thấy. Tương tự như dầu oliu, tinh chất vitamin E có trong dầu dừa giúp cấp ẩm và làm dịu da hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Lấy 1-2 thìa dầu dừa nguyên chất
- Bôi trực tiếp lên các khu vực xuất hiện vết rạn, massage da nhẹ nhàng trong vài phút rồi rửa sạch
Lưu ý: Không nên lấy quá nhiều dầu dừa bôi lên da, không tác dụng thêm mà sẽ gây dính vào quần áo.
Nghệ tươi
Hoạt chất curcumin trong nghệ tươi có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, ngăn tạo sẹo, làm sáng da. Vậy nên, không thể bỏ qua loại củ này trong danh sách sản phẩm hỗ trợ làm mờ rạn da.
Cách thực hiện:
- Lấy 1-2 củ nghệ tươi, rửa sạch và giã nhuyễn
- Trộn nghệ với sữa chua trắng theo tỷ lệ 1:1
- Dùng hỗn hợp này bôi lên vùng da rạn, để trong vòng 15-20 phút và rửa sạch lại với nước
- Tần suất thực hiện khoảng từ 2-3 lần một tuần, kiên trì trong thời gian dài
Nha đam
Loại cây này là thực phẩm quen mặt với phái đẹp, với rất nhiều công dụng tốt cho làn da và sức khỏe. Trong gel nha đam chứa tinh chất giúp làm lành tổn thương trên da, giúp da săn chắc. Qua đó, các vết rạn phần nào được cải thiện
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nhánh nha đam tươi, rửa sạch và gọt hết vỏ cứng bên ngoài
- Đem phần gel nha đam thái nhỏ, trộn đều với khoảng 1-2 viên nang vitamin E
- Dùng hỗn hợp đắp lên vùng da rạn, để khoảng 20 phút rồi rửa sạch với nước ấm
- Tần suất thực hiện đều đặn 2-3 lần một tuần
Lưu ý: Không nên lạm dụng quá nhiều cách chữa rạn da bằng nha đam trong 1 thời gian dài, sẽ có thể khiến da bị kích ứng. Bạn nên kiểm tra độ thích ứng của da với gel nha đam trong khoảng 24h bằng cách bôi một lượng nhỏ lên vùng da dưới cánh tay. Nếu không vấn đề gì bạn có thể sử dụng trên diện rộng.
Lòng trắng trứng gà
Lòng trắng trứng gà có chứa hoạt chất Niacinamide giúp phục hồi làn da do bị lão hoá, kích thích sản sinh collagen hỗ trợ đẩy lùi nếp nhăn, lấy lại độ đàn hồi cho da. Ngoài ra, lysozyme trong trứng gà còn giúp da sáng màu và bảo vệ da khỏi sự xâm hại của tia UV.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 quả trứng gà, tách lấy lòng trắng
- Đem trộn với 1 thìa bột canh (4 thìa cà phê) nước cốt chanh, 1 thìa bột canh mật ong
- Dùng hỗn hợp đắp lên các vùng da đùi, bụng bị rạn, để khoảng 20 phút rồi rửa sạch
- Thực hiện đều đặn 2-3 lần mỗi tuần, duy trì nếu thấy có kết quả tích cực
Trà đen
Trong trà đen có chứa các khoáng chất, vitamin, chất chống oxy hóa giúp chữa lành làn da bị thương tổn, làm đều màu da. Loại trà này cũng được áp dụng để trị rạn da, cả với những trường hợp lâu năm.
Cách thực hiện:
- Hãm khoảng 100gr trà đen trong 200ml nước sôi khoảng 5 phút
- Sau đó lấy phần nước trà hoà với 1 thìa muối
- Để vừa ấm hoặc nguội thì dùng bông thấm lên các vùng da bị rạn
- Massage nhẹ nhàng trong khoảng 3 phút thì vệ sinh bằng nước sạch
- Thực hiện khoảng 2-3 lần mỗi ngày và phải duy trì trong thời gian dài
Khoai tây
Các tinh chất trong khoai tây có tác dụng làm sáng da, cấp ẩm và làm mềm mịn da. Dùng khoai tây trong một thời gian dài còn giúp tế bào da của bạn sẽ được tái tạo, mờ các vết rạn.
Cách thực hiện:
- Cắt 1 lát khoai tây tươi rồi dùng chà xát lên vùng da bị rạn
- Để khoảng 20 phút cho tinh chất trong khoai tây ngấm khô vào da rồi rửa sạch lại với nước
- Nếu có thời gian, bạn hãy duy trì tần suất 2 lần mỗi ngày
Vitamin E
Vitamin E được coi là thần dược đối với chị em phụ nữ, có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp. Loại vitamin này giúp kích thích sản sinh collagen, yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi các vết rạn. Riêng đối với phụ nữ có thai, vitamin E rất cần thiết khi tác động làm chậm quá trình lão hóa, chống oxy hoá tốt, phục hồi thương tổn trên da.
Cách thực hiện:
- Lấy khoảng 10 viên nang vitamin E, chích lấy phần tinh chất bên trong, bỏ thêm 250gr muối, 250gr đường, trộn đều.
- Dùng hỗn hợp bôi lên vùng da rạn rồi massage nhẹ nhàng cho các tinh chất thẩm thấu.
- Để trên da khoảng 15 phút thì rửa sạch
- Tần suất thực hiện khoảng 2-3 lần tuần, kiên trì đến khi thấy kết quả
Sữa tươi
Sữa tươi thường được sử dụng như một nguyên liệu làm trắng da, cải thiện các vùng da không đều màu. Các trường hợp da sạm đen, rạn nứt có thể áp dụng sữa tươi để cải thiện.
Trong thực phẩm này có chứa protein, enzyme, acid lactic giúp da mịn màng hơn, chống lão hoá, tăng cường sức đề kháng, cải thiện mảng da tối màu.
Cách thực hiện:
- Lấy sữa tươi thoa trực tiếp lên vùng da bị rạn, massage nhẹ nhàng để các tinh chất thấm sâu vào da.
- Để khoảng 20-30 phút, sau đó rửa sạch với nước.
- Thực hiện với tần suất 1-2 lần mỗi ngày, nên duy trì đều đặn để có kết quả tốt
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp sữa tươi với mật ong, sữa tươi với nghệ hoặc sữa tươi với trứng gà để tăng phần hiệu quả.
Cỏ linh lăng
Trong cỏ linh lăng có chứa nhiều axit amin hỗ trợ nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Bên cạnh đó, một số thành phần như protein vitamin E, vitamin K giúp cấp ẩm cho da, có khả năng làm mờ vết rạn trên cơ thể.
Cách thực hiện:
- Lấy một lượng bột cỏ linh lăng, đem trộn cùng với 2-3 giọt dầu hoa cúc đến khi thành hỗn hợp đặc mịn
- Đắp hỗn hợp lên các vùng da rạn và và thoa đều cho các tinh chất thẩm thấu trên da, có thể chia thành 2-3 lần bôi mỗi ngày
- Kiên trì sử dụng trong 1 tháng để thấy được kết quả
Rượu gừng nghệ hạ thổ
Phụ nữ sau sinh thường dùng rượu gừng nghệ hạ thổ để trị rạn da. Khoảng từ 7-10 ngày sau sinh đối với sinh thường, từ 14-20 ngày sau sinh đối với sinh mổ. Các trường hợp sinh mổ nên đợi vết mổ lành lại trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
Các trường hợp rạn da vì nguyên nhân khác hoàn toàn có thể áp dụng. Đây được coi là thần dược để tăng cường sức khỏe cũng như làm mờ các vết sẹo, rạn.
Cách thực hiện:
- Lấy khoảng 20ml-30ml rượu gừng nghệ hạ thổ cho vào một chiếc bát. Sau đó lấy bông thấm lấy rượu rồi thoa lên các vùng da bị rạn
- Massage nhẹ nhàng theo hướng từ ngoài vào trong hoặc theo chiều kim đồng hồ
- Để trong khoảng 20 phút hoặc 3-4 tiếng rồi rửa sạch với nước
Cần duy trì từ 3-6 tháng vì tác dụng của phương pháp này khá chậm, nếu chỉ dùng trong thời gian ngắn sẽ không hiệu quả
Đường
Đường là nguyên liệu thiên nhiên bất cứ nhà nào cũng có, được áp dụng để tẩy da chết. Qua đó có thể làm mờ được các vết rạn da.
Cách thực hiện:
- Trộn 1 thìa canh đường thô với 1 ít dầu hạnh nhân và 1 thìa cà phê nước cốt chanh
- Lấy hỗn hợp đắp lên các vùng da rạn, massage nhẹ nhàng trong 3-5 phút, để thêm 15-20 phút rồi rửa lại với nước. Hoặc có thể thực hiện trước khi tắm để tiện cho việc vệ sinh da.
- Thực hiện 1 lần mỗi ngày, duy trì liên tục 1 tháng để đạt hiệu quả
Những cách chữa rạn da tại nhà thường tiết kiệm thời gian trong ngày, không tốn kém và an toàn cho da. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp tự thực hiện chỉ áp dụng cho các trường hợp rạn da nhẹ. Tác dụng hỗ trợ làm mờ chứ không thể trị rạn dứt điểm. Muốn đạt được kết quả, bạn phải kiên trì trong thời gian dài, ít nhất từ 6 tháng.
Cách chữa rạn da bằng công nghệ hiện đại
Hiện nay, việc điều trị các vết tích trên da như rạn, sẹo, nám bằng thủ thuật hiện đại không còn quá mới mẻ. Tác động của phương pháp trị liệu phòng khám trực tiếp lên da có thể giúp làm mờ đi các vết sẹo. Đặc biệt với trường hợp lâu năm, có thể tham khảo những cách dưới đây:
Cách chữa rạn da bằng laser
Phương pháp này có mặt ở hầu hết các trung tâm thẩm mỹ, spa trị liệu làm đẹp hiện nay. Với tình trạng rạn da, có 2 liệu pháp laser thường áp dụng là laser xung nhuộm màu và laser excimer
- Laser xung nhuộm màu: Nguyên tắc là tác động trực tiếp tới mạch da, tạo tế bào da mới. Kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp các mô dưới da được liên kết vững chắc. Tác dụng giúp da săn chắc, đẩy lùi các vết rạn.
- Laser excimer: Nguyên tắc là kích thích quá trình sản xuất melanin cho da. Qua đó cải thiện sắc tố da, hình thành làn da mới.
Một liệu trình điều trị rạn da bằng laser sẽ kéo dài khoảng 6-7 tháng. Đây là phương pháp tương đối an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi trị liệu, bạn nên lưu ý các quy tắc bảo vệ da, kiêng nước trong 2 ngày đầu và bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng.
Cách chữa rạn da bằng ly giải quang nhiệt phân đoạn (Fractional Photothermolysis -FP)
Đây là thủ thuật tiên tiến mới với mục đích tái tạo bề mặt da. Cụ thể, quang nhiệt phân đoạn điều trị một phần của da. Chuyên gia sử dụng laser tạo ra vô số lỗ nhỏ li ti trên da, gọi là khu vực vi nhiệt. Các vùng da xung quanh khoẻ mạnh, không cần điều trị nên những phần được vi nhiệt sẽ phục hồi tổn thương nhanh. Đây là ưu điểm của Fractional so với những phương pháp tái tạo da bằng laser truyền thống.
Sau khi thực hiện, các vùng da tổn thương được phục hồi, làm mờ vết rạn. Các tác dụng phụ trên da được hạn chế tối đa. Trường hợp bị sẹo, nám, tàn nhang, rạn da lâu năm đều áp dụng được thủ thuật này.
Cách chữa rạn da bằng mài da vi điểm (Microdermabrasion)
Mài da vi điểm là phương pháp điều trị/cách chữa rạn da mới, sử dụng tinh thể cô đặc và vật liệu thô cứng ma sát da. Nguyên tắc không xâm lấn, không hoá chất, không phẫu thuật. Hoặc chuyên gia sẽ dùng thiết bị chuyên dụng để hút bỏ da bong tróc tại chỗ.
Tác dụng của Microdermabrasion giúp tẩy bỏ các tế bào da chết, chữa rạn da, cải thiện sắc tố da, làm mờ sẹo, nếp nhăn, các vết đồi mồi.
Cách chữa rạn da bằng Peels da
Peels da còn có cách gọi khác là lột da. Cách này được áp dụng chủ yếu tại vùng da mặt, các bộ phận khác cũng có thể thực hiện để điều trị rạn da.
Quá trình thực hiện: Dùng tăm bông bôi dung dịch acid trực tiếp lên da. Sau đó, chuyên gia sẽ dùng bàn chải chuyên dùng, miếng bọt biển để loại bỏ lớp da chết. Hợp chất điều trị còn phụ thuộc vào mức độ và thời gian rạn của mỗi người.
3 loại hợp chất chính dùng để peels da gồm:
- Alpha-hydroxy acid: Dùng để loại bỏ lớp da trên cùng bề mặt da
- Glycolic acid: Loại bỏ liền kề 2 lớp da trên cùng và lớp giữa
- Phenol: Hóa chất có tính peels mạnh nhất. Hiệu quả sau khi sử dụng phenol tương đối rõ rệt, có thể thấy ngay sau lần thực hiện đầu tiên.
Tác dụng chính của Peels da giúp loại bỏ các tế bào da chết trên da, kích thích tế bào da bong tróc. Qua đó tái tạo làn da mới và giảm các nếp nhăn.
Phương pháp sử dụng chùm tinh thể
Đây là cách chữa rạn da thường được áp dụng cho các trường hợp lâu năm. Thủ thuật thực hiện là tác động chùm tinh thể trực tiếp lên bề mặt da, ma sát tẩy tế bào da chết. Qua đó sản sinh collagen và tái tạo làn da mới.
Cách chữa rạn da bằng lăn kim (Microneedling)
Làn da cơ bản bao gồm 3 lớp chính: biểu bì, hạ bì, mô dưới da. Lăn kim là thủ thuật xâm lấn vào lớp giữa, hạ bì của da ở mức tối thiểu. Cách thực hiện, chuyên gia sẽ dùng kim lăn đầu nhỏ xíu chọc vào da để kích thích sản sinh collagen và elastin, 2 yếu tố quan trọng bảo vệ da.
Tác dụng của Microneedling là giúp da được tái tạo tế bào mới, phục hồi tổn thương và qua đó các vết rạn sẽ dần biết mất.
Phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
PRP (Platelet-rich Plasma) là một sản phẩm từ máu chứa hàm lượng tiểu cầu cao hơn nhiều so với mức bình thường. Bác sĩ sẽ thực hiện tiêm trực tiếp chế phẩm này vào vùng da tổn thương. Qua đó kích thích sản sinh collagen và elastin.
Tác dụng chính giúp làm lành da, khiến da săn chắc lại, mịn màng và các vết rạn ngụ trú lâu năm sẽ mờ dần.
Cách chữa rạn da bằng phẫu thuật (Abdominoplasty)
Phẫu thuật da là cách chữa rạn da tác động mạnh nhất đến các vùng tổn thương và có thể loại bỏ hoàn toàn rạn da. Trong các thủ thuật phẫu thuật da, Abdominoplasty hay còn gọi là phẫu thuật tạo hình, được sử dụng nhiều nhất. Đối tượng phù hợp là những người sau giảm cân, mang thai, da chảy xệ, hoặc bị rạn da lâu năm.
Ưu điểm là cho thấy hiệu quả rõ ràng, nhưng có thể để lại một số vết tích như sẹo. Chưa kể nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh các thủ thuật trên, còn một số phương pháp khác như sóng siêu âm, tần số vô tuyến sóng RF,...Nhiều trường hợp bác sĩ sẽ thực hiện 2 thủ thuật một lúc để thúc đẩy tính hiệu quả. Laser xung nhuộm màu kết hợp điều trị sóng RF là một ví dụ.
Đối với những trường hợp rạn da diện rộng, kéo dài lâu năm, phương pháp dùng các thủ thuật hiện đại mang lại hiệu quả nhanh hơn. Tuy nhiên, cách chữa rạn da này tương đối tốn kém và có thể bạn sẽ gặp phải một số tác dụng phụ trên da. Hãy nên cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ hình thức nào.
Xem thêm:
Top 15 loại kem chống rạn da cho bà bầu được ưa chuộng nhất hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!